Lâu nay, đảo quốc Malta được nhiều người biết đến với các danh lam thắng cảnh đẹp. Tuy nhiên, 2 báo cáo của Ủy ban châu Âu (EC) và Tổ chức Oxfam cho hay đảo quốc này còn là 1 trong 4 thiên đường hàng đầu dành cho các doanh nghiệp châu Âu trốn thuế.
Nghiên cứu của EC dựa trên danh sách bao gồm 33 đặc điểm giúp xác định một quốc gia có khả năng tạo các điều kiện dễ dàng cho các công ty tránh nộp thuế. Danh sách trên gọi là “Những điều làm thất thoát thuế”. Chiếu theo danh sách trên, Malta có đến 14/33 đặc điểm. Theo phân tích của Oxfam, Hà Lan là thiên đường thuế đứng đầu của Liên minh châu Âu (với 17/33), tiếp theo là Bỉ (16/33), và Cyprus (15/33). Malta đứng ở vị trí 4, trong khi Latvia, Luxembourg và Hungary chia sẻ vị trí thứ 5 (với cùng 13/33).
Quốc đảo Malta nằm ở phía Nam đảo Sicily của Italia, giữa châu Âu và Bắc Phi, từng là thuộc địa của Hy Lạp, La Mã, Pháp và Anh. Từ nhiều thế kỷ nay, vị trí chiến lược đã giúp Malta củng cố vai trò cửa ngõ thương mại tại châu Âu. Họ hiện vẫn là trung tâm hàng đầu cho việc chứa và vận chuyển hàng hóa. Malta có ngành du lịch và tài chính phát triển, thu hút nhiều người giàu trên thế giới.
Malta không có thuế địa phương, không thuế bất động sản, không thuế thừa kế và không thuế tài sản hay giá trị tài sản ròng. Malta cũng tham gia hiệp ước không đánh thuế 2 lần với khoảng 60 quốc gia trên thế giới. Mức thuế thu nhập doanh nghiệp ở Malta là 35%, nhưng có các ưu đãi giảm thuế đặc biệt áp dụng đối với chủ sở hữu công ty không cư trú. Theo EC, quốc đảo Malta áp dụng nhiều ưu đãi, miễn trừ thuế cho cá nhân, doanh nghiệp. Do đó, mức thuế thực sự phải nộp ở mức rất thấp, khoảng 5%.
Người nước ngoài trở thành công dân của Malta nhưng không cư trú trong quốc đảo này chỉ phải nộp thuế trên các khoản thu nhập mà họ kiếm được hoặc nhận được ở trong nước. Ngoài ra, Malta có nền chính trị ổn định, nền kinh tế tăng trưởng nhanh và có nhiều ngân hàng tốt nhất thế giới, luôn bảo đảm giữ bí mật tuyệt đối cho khách hàng. Tất cả những điều kiện trên đã biến Malta trở thành thiên đường lách thuế, giúp các cá nhân và doanh nghiệp nước ngoài giảm bớt hoặc tránh né nghĩa vụ thuế.
Có những thí dụ nổi tiếng về việc các tập đoàn, công ty lớn trên thế giới chọn Malta làm điểm tránh nộp thế. Gã khổng lồ năng lượng Anh Npower đã không phải nộp 141 triệu USD thuế doanh nghiệp tại Anh bằng cách thông báo lỗ ở Anh, nhưng chuyển lợi nhuận cho các công ty con tại Malta. Hay Ngân hàng Commonwealth của Australia đã sử dụng một văn phòng đại diện ở Malta, có tên Commbank Europe Limited, để “tiết kiệm” vài triệu USD tiền thuế. Oxfam cho rằng việc tồn tại các thiên đường thuế như Malta góp phần duy trì nghèo đói và bất bình đẳng trên thế giới. Cũng vì tồn tại những góc khuất về chính sách thuế như vậy, các nước phát triển đã mất ít nhất 100 tỷ USD tiền thuế mỗi năm.
Vụ Hồ sơ Panama lôi các thiên đường thuế ra ánh sáng đã buộc châu Âu phải có những bước đi cứng rắn. Nghị viện châu Âu vừa qua đã bỏ phiếu thông qua về Quy định đối với tình trạng lách thuế với 486 phiếu thuận, 88 phiếu chống và 103 phiếu trắng. Một điểm đáng chú ý trong cuộc bỏ phiếu này là phần lớn nghị sĩ của Malta bỏ phiếu chống. Trong một tuyên bố trước cuộc bỏ phiếu, các nghị sĩ và cựu Thủ tướng Malta Alfred Sant lên tiếng rằng động thái hướng tới “hài hòa” về thuế làm suy yếu khả năng cạnh tranh của các nền kinh tế nhỏ của EU. TS. Sant cho rằng sự kiểm soát chính sách thuế là công cụ hữu hiệu duy nhất còn lại các quốc gia nhỏ thành viên của EU có thể giữ lại sự linh hoạt cho các mục đích cạnh tranh. Cũng theo ông Sant, ông ủng hộ tất cả các biện pháp tăng tính minh bạch trong các vấn đề thuế nhưng những biện pháp này không nên “xâm phạm chủ quyền hệ thống thuế” của các quốc gia nhỏ.
Theo daututaichinh