fbpx

Trung Quốc phá giá nhân dân tệ: Tiền Việt ra sao?

Tổng thống Trump vừa tuyên bố sẽ áp thuế nhập khẩu lên thêm 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc (TQ). Động thái này đẩy chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo lên một nấc thang mới.

Để đối phó, TQ liên tục hạ giá đồng tiền của nước này. Tính đến ngày 3-7 vừa qua, đồng nhân dân tệ đã giảm giá 14 phiên liên tục với tổng mức giảm 5,4%.

Vậy điều này ảnh hưởng tới tỉ giá và doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu của Việt Nam (VN) ra sao?

Ông NGUYỄN ĐỨC THANH, Chủ tịch Hiệp hội Điều VN: Hàng Việt bị ép giá

 Khi xuất khẩu sang Mỹ gặp khó vì bị áp thuế cao, TQ đang chủ động phá giá đồng nhân dân tệ để tăng cường xuất khẩu hàng hóa với giá cả cạnh tranh hơn so với các nước khác.

Như vậy hàng xuất khẩu sang TQ của VN cũng sẽ gặp khó vì thanh toán bằng đồng USD, khiến hàng Việt nhập vào thị trường này có giá bán cao, khó được khách hàng TQ chấp nhận.

Bằng chứng là các hợp đồng xuất khẩu sản phẩm hạt điều nhân sang TQ của VN thời gian gần đây đã bị phía các công ty nhập khẩu nước này ép giá giảm 3%. Coi như các lô hàng xuất khẩu sang TQ của DN Việt phải chịu thiệt chi phí này.

Dù nhu cầu nhập khẩu hạt điều của khách hàng TQ vẫn ở mức cao và hạt điều VN không có đối thủ cạnh tranh ở thị trường này nhưng biến động tỉ giá đẩy DN VN rơi vào thế bị động và chịu thiệt.

Đại diện một công ty xuất nhập khẩu nông sản: Hàng TQ đã rẻ càng rẻ hơn

 TQ đã nới lỏng tiền tệ khiến đồng nhân dân tệ mất giá để ứng phó với việc áp thuế của Mỹ đối với hàng hóa của TQ nhập khẩu vào Mỹ. Như vậy đương nhiên tạo sức ép cạnh tranh với hàng Việt sẽ lớn hơn. Điều này cũng khiến nhiều mặt hàng như thanh long, xoài, chôm chôm, cá, tôm… VN xuất khẩu sang thị trường TQ chịu ảnh hưởng lớn.

Lý do là khi TQ phá giá đồng nhân dân tệ, giá hàng nhập khẩu vào nước họ sẽ trở nên đắt đỏ hơn, hàng xuất khẩu VN sang TQ cao hơn nên khó cạnh tranh hơn.

Ngược lại, hiện nay hàng loạt mặt hàng của TQ rẻ hơn hàng VN khoảng 20%-40%. Khi đồng nhân dân tệ của TQ mất giá hơn 5% so với đồng USD, trong khi đó đồng VN chỉ mất trên 1%. Nghĩa là hàng TQ rẻ hơn hàng VN thêm 4% nhờ chênh tỉ giá. Chẳng hạn một đơn hàng nhập từ TQ trước đây có giá 100 triệu đồng, giờ DN chỉ phải bỏ ra 96 triệu.

Chính vì vậy, khi nhân dân tệ giảm giá, các DN, thương lái và thương nhân người TQ đang kinh doanh tại VN hưởng lợi lớn vì hàng TQ đã rẻ càng rẻ hơn. Đó là lý do khiến dòng hàng xuất khẩu từ TQ về VN tiếp tục tăng lên, còn hàng Việt gặp khó.

TS NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính ngân hàng: Linh hoạt điều chỉnh tỉ giá

 Việc TQ phá giá đồng tiền của họ sẽ không thuận lợi cho DN VN nói riêng và nền kinh tế nói chung. Trong đó chỉ riêng trong tháng 6, đồng nhân dân tệ của TQ đã giảm giá đến 3,3% so với USD; trong khi đó, VND đối với USD chỉ giảm khoảng 1% từ đầu năm đến giờ.

Tiền VN và TQ đều tính trên cơ sở đồng USD nên nhân dân tệ giảm giá với USD nhiều hơn so với VND giảm giá với USD, có nghĩa rằng nhân dân tệ trở nên rẻ hơn so với VND.

Diễn biến này sẽ làm tăng nhập siêu từ TQ. Ngược lại, xuất khẩu hàng hóa từ VN sang TQ sẽ gặp khó khăn hơn. Do đó, nếu cơ quan quản lý tiếp tục giữ ổn định VND trong khi đồng đôla Mỹ tăng giá và nhân dân tệ giảm giá sẽ là không phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Từ sự phân tích trên, tôi cho rằng từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên có lộ trình thực hiện linh hoạt tỉ giá và nên giảm giá VND ở mức 3% là phù hợp với điều kiện thị trường.

Ông NGUYỄN ĐÌNH TÙNG, Tổng Giám đốc OCB: Điều chỉnh nhưng không gây sốc

Từ đầu năm, NHNN đã có định hướng sẽ điều hành chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt và ổn định. Tôi ủng hộ quan điểm này vì nó phù hợp với tình hình thị trường, đảm bảo vẫn giữ năng lực cạnh tranh của DN xuất khẩu; đồng thời cũng phải đảm bảo tính ổn định cho các yếu tố như tỉ giá, giá cả, đầu tư nước ngoài vào VN.

Nếu đẩy tỉ giá VND/USD lên cao, tức giảm giá trị tiền Việt thì có thể ảnh hưởng ngay đến giá hàng nhập khẩu. Điều này sẽ ảnh hưởng ngay đến DN sản xuất (sử dụng nhiều nguyên liệu nhập khẩu) và đẩy giá thành sản phẩm lên, chẳng khác nào bẻ gãy sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước với hàng hóa TQ ngay trên sân nhà.

Tuy vậy, trong bối cảnh hiện nay, đúng là cần có sự điều tiết về chính sách tỉ giá. Quan trọng hơn là sự thay đổi đó không gây sốc để DN có thể tự tính toán trước để giảm bớt rủi ro về tỉ giá.

TS BÙI QUANG TÍN: Nhân dân tệ có thể còn giảm giá nữa

Tỉ giá trong nước sẽ chịu áp lực từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Ví dụ ngày 1-6 phải dùng 3.624 VND để đổi một đồng nhân dân tệ. Đến ngày 11-7, chỉ mất 3.520 VND để đổi một đồng nhân dân tệ. Không chỉ vậy, nhiều dự báo cho thấy thời gian tới đồng tiền của TQ sẽ còn được điều chỉnh giảm sâu hơn nữa.

Khi TQ hạ giá đồng tiền của họ mà VN giảm giá tiền đồng không tương xứng sẽ khiến cho hàng VN trở nên đắt so với hàng TQ (với sản phẩm cùng chủng loại như dệt may, da giày, điện tử…). Qua đó, khi xuất khẩu cùng một mặt hàng sang nước thứ ba, so với trước khi phá giá nhân dân tệ, hàng VN sẽ kém cạnh tranh hơn hàng TQ về giá.

Tuy vậy, cũng không nên quá lo ngại. Bởi đồng nhân dân tệ giảm giá dẫn đến gia tăng nhập khẩu của VN từ TQ nhưng ngược lại, các công ty nhập khẩu, nhất là nguyên liệu lại có lợi. Bởi hầu hết DN xuất nhập khẩu ở VN đều dựa vào các nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu. Như vậy khi đồng nhân dân tệ giảm giá, có sự tác động bù trừ qua lại và có thể cân bằng lẫn nhau giữa nhập khẩu và xuất khẩu, tức là được và mất cân bằng nhau.

Theo Thuỳ Linh – Quang Huy

Pháp luật Tp.HCM

Copyright© AT Express Ltd. All rights reserved.